LĂNG MỘ ĐÁ Quang Trung Học Thiền càng sớm càng tốt, hãy đào giếng trước khi chết khát!
Khi đối diện với stress cuộc sống, càng ngày có càng nhiều người học Thiền nhưng con số này vẫn còn quá nhỏ và sự tỉnh thức của chúng ta vẫn còn quá muộn.
Đại học Yale, bang Connecticut, Mỹ, nhận xét học Thiền có thể giúp điều phục “tâm con khỉ” (monkey mind) rất hữu hiệu, vì nhờ đó mà đội ngũ cán bộ, giáo viên và sinh viên của trường đã cải thiện được chứng mất tập trung.
Đại học Johns Hopkins, bang Maryland, Mỹ thì cho rằng tình trạng căng thẳng, rối loạn lo âu, nhất là trầm cảm giảm xuống đến 0,3% là nhờ vào học thiền và thực hành thiền, nó chẳng khác nào các loại thuốc an thần nhưng không gây ra tác dụng phụ.
Bệnh viện Masachusetts Genaral (thuộc Đại học Harvard) và Viện Benson-Henry của bang Massachusetts, Mỹ, thừa nhận thiền chánh niệm (vipassana) là phương thức tự chữa lành các tổn thương tâm lý hay nhất hiện nay.
Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Nike, Prentice Hall Publishing, McKinsey & Company, Apple, Google… khuyến khích nhân viên học Thiền để giúp nhân viên yêu thích và tận tâm với công việc, hòa hợp đội nhóm, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng suất. Các nhà tù ở Sri Lanka, Ấn Độ, Cộng hòa Dominica, Anh và Mỹ nhờ Thiền để khơi dậy nhận thức đúng đắn và chuyển hóa tâm tính con người.
Đó là nỗ lực đáng trân trọng nhưng cũng chỉ là kiểu “chữa cháy”, vì tới giờ này chúng ta cũng chưa đủ thấm, đủ tỉnh ngộ, để thấy “tâm” mang tính quyết định như thế nào đến sự phát triển hay hủy diệt của cá nhân và nhân loại.
Tại sao việc quay vào bên trong để thấu hiểu và vượt qua những hạn chế của bản thân không được học, được luyện tập từ hồi còn tiểu học hoặc ít nhất là trung học, khi mà đứa trẻ bắt đầu có những phản ứng gay gắt bất thường, khao khát tìm hiểu đúng sai, muốn khám phá và thể hiện bản thân? Chậm lắm là khi vào đại học hoặc tệ lắm là khi rời ghế giảng đường thì chúng phải được trang bị tất cả các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thuần phục cái tôi, làm việc và sống chung với nhiều người, không bị đồng hóa và cám dỗ bởi ngoại cảnh, biết độ lượng và tha thứ,…
Mỗi năm trên thế giới có biết bao nhiêu trái tim non trẻ chập chững vào đời với hành trang chỉ vỏn vẹn là mớ kiến thức mà hầu hết là “không xài được” vài mảnh bằng chưa có kinh nghiệm thực tế thậm chí không phải do công sức học tập của mình, chấm hết!
À, còn cả ước mơ “vá trời lấp bể” nữa. Rồi họ đi làm, kiếm tiền, lập gia đình, sinh con, lãnh đạo, làm chủ,… mà không hề trải qua bất cứ một môi trường đào luyện nào.
Bạn nào ý thức hơn thì học lấy vài lớp kỹ năng từ các chuyên gia ở nước ngoài về nhưng cũng chỉ để cho biết, để nói cho hay, thậm chỉ để dạy đời, để rao giảng, để kiếm tiền,… chứ áp dụng thì nhá nhem, vì có vẻ như đã qua rồi độ tuổi hấp thu, uốn nắn, rèn giũa, khép vào khuôn khổ…
Tham khảo: Thiền làm đẹp và những tác dụng bất ngờ mà phụ nữ nào biết xong cũng mê
Cứ thế xã hội luôn đông đúc các tổng giám đốc, các CEO bị khủng hoảng tinh thần, hàng khối các doanh nhân thành đạt mà đổ vỡ hạnh phúc gia đình, hàng triệu triệu các chiến binh trẻ ngã ngựa buông tay giữa sa trường vì không mảnh giáp che thân chứ nói gì đến gươm đao hay súng đạn.
Tại vì họ học những thứ đó ở đâu khi mà gia đình đến trường học đều chỉ biết tới thành tích, danh hiệu, giải thưởng,… hoặc chỉ quan tâm làm sao để trở thành giàu có, thành đạt, ngôi sao,… để có danh gì với núi sông? Có trường nào dạy họ biết sống tỉnh thức, biết chú ý, biết quan sát, biết cảm nhận, biết kiềm chế đâu?
Sai lầm lớn nhất của giáo dục đó là làm cho chúng ta lầm tưởng về bản thân mình. Cái giai đoạn mà chúng ta phải được rèn giũa nhiều nhất thì lại được người lớn dán lên đầu những nhãn hiệu giỏi xuất sắc, ưu tú,… cái giai đoạn mà chúng ta khát khao muốn biết mình là ai và có mặt trong cuộc đời này để làm gì thì người lớn chỉ có dạy cách nào để kiếm được nhiều tiền, chinh phục và chiến thắng.
Mà cũng khó trách vì chính những người làm công tác giáo dục cũng chỉ biết bấy nhiêu đó thôi cũng không có nhiều kinh nghiệm chiến thắng bản thân để sống bình yên và hạnh phúc thì làm sao trao truyền lại được.
Họ cũng là nạn nhân của nền giáo dục chưa được khai sáng để thấy việc hàm dưỡng tâm hồn là thứ quan trọng hàng đầu, hoặc chí ít là ngang hàng với việc phát triển tài năng và trí tuệ.
Thôi thì tới đâu tính tới đó! Chừng nào khát rồi đào giếng. Chừng nào khủng hoảng hay khổ chịu hết nổi thì chạy đi tìm thuốc, tìm chuyên gia tâm lý hay cầu cứu tôn giáo. Nhưng vậy cũng không được, vì khát quá mà chưa đào giếng kịp để lấy nước thì sẽ cháy khô cổ họng, sẽ mất kiểm soát mà cấu xé lẫn nhau và sẽ chết.
MiMo (Theo Thiền sư Minh Niệm)