Đá mỹ nghệ Quang Trung chia sẻ với Quý khách hàng bài viết: Cúng cô hồn trong văn hóa người Việt. Chúng tôi chuyên tư vấn, điêu khắc, chế tác, thi công lắp đặt: Lăng mộ đá, Mộ đá, Cột đá, Lan can đá, Cuốn thư đá, Rồng đá,…các sản phẩm Đá mỹ nghệ trên Toàn Quốc.
Muôn loài đến với sự sống trên cuộc đời này bằng 4 ngã: Thai sanh (sanh qua đường bào thai như loài người…), noãn sanh (sanh qua đường trứng như loài chim, cá,…) hóa sanh (sanh qua đường biến thể như loài bướm…) và thấp sanh (sanh qua đường nhơ nhớp như loài giòi…). bốn ngã vào đời mang theo ba mươi sáu bộ (tam thập lục bộ) và bảy mươi hai nghiệp (thất thập nhị nghiệp). Đến với đời bằng 4 ngả, nhưng khi ra khỏi đời lại bằng sáu đường (lục đạo) tùy theo nghiệp lực đã gây tạo.
Khổng giáo cho rằng mỗi con người đều mang vào thân một số phận bất di bất dịch không thể thay đổi gọi là định mệnh. Nhưng Phật Giáo lại cho rằng không có định mệnh mà chỉ có nghiệp lực. Nghiệp lực do tự tánh con người tạo ra nên tự con người cũng có thể chuyển đổi, hóa giải được. Quan niệm của dân gian chỉ đơn giản suy luận: người nào tới số khi chết sẽ được lên cõi trời hoặc xuống địa ngục. Người nào chưa tới số mà bị bất đắc kỳ tử thì phải trôi nổi vô hình trên chốn dương gian không nơi nương tựa gọi là oan hồn uổng tử, hay cô hồn, quạnh hồn…
Vì cô hồn không ai hương khói, chẳng nơi nương tựa nên quanh năm đói lạnh phải lang thang khắp nơi để kiếm ăn. Muốn được có miếng ăn chỗ ở thì phải tìm đến với người sống để cầu mong hưởng phần thí thực. Giữa người sống và người chết là hai thế giới riêng biệt. Cô hồn thì vô hình mà người sống là hữu thể. Hữu thể không thể nào nhìn thấy được cõi vô hình nên thường bị ám ảnh và sanh ra những điều lo sợ viễn vông. Người xưa nghĩ rằng: nếu tạo cho cô hồn có chỗ dừng chân thì sẽ không bị quấy phá, đem đến tác hại cho dân gian nữa. Vì thế hầu hết các gia đình đều có bàn thiêng hoặc thủ kỳ nơi trước mặt nhà, trên bàn để sẵn bình hoa, lư hương và ba chén nước trong. Theo thông lệ,ào mỗi chiều tối, khi thắp hương ông bà vẫn không quên nhang khói ở bàn thiêng. Vào các ngày rằm, mùng một hay ngày giỗ kỵ, tết nhứt đều có cúng thêm bánh trái, chè xôi đầy đủ.
Ngoài bàn thiêng hay thủ kỳ, vào các ngày giỗ lớn trong năm người ta còn bày biện phẩm vật trên một chiếc chiếu trải trước hiên hay sân nhà để cúng cô hồn gọi là khí thực âm binh. Mâm cúng đầy đủ như những nơi khác, nhưng còn có giấy vàng bạc, gạo muối, mía cây chặt ra từng đoạn ngắn, khoai luộc, các loại kẹo bánh nhiều màu xanh đỏ,… Đặc biệt không thể thiếu ba tô cháo trắng (gọi là nhão) vì người ta cho rằng trong thập loại cô hồn có loại ngạ quỷ bụng to đầu nhỏ, cuống họng quá bé không sao nuốt trôi được vật phẩm cứng, chỉ dùng được cháo. Lễ cúng còn có điệp văn để triệu thỉnh cô hồn bốn phương tám hướng về dự. Có nơi triệu thỉnh dài dòng từng loại cô hồn một. Cũng có nơi ngắn gọn mời chung cả “tam thập lục bộ, thất thập nhị nghiệp” coi như không phải sợ thiếu sót một ai, vì không có cô hồn nào ra khỏi các bộ, các nghiệp ấy.
Nhiều gia đình có khả năng tài chánh, khi cha hoặc mẹ qua đời đủ 49 ngày (chung thất) mời Thầy về nhà lập đàn tràng cầu siêu cho tiên linh, nhất thiết không thể không có lễ cúng thí thực cô hồn thật quy mô nhằm gieo công đức cho đấng sanh thành. Vào ngày lễ Vu Lan (rằm tháng bảy) các chùa đều có lễ tế độ âm linh để cầu phước báo cho những người đã khuất, lấy theo sự tích tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Vào ngày này, dân gian còn gọi là ngày “xá tội vong nhân” vì nhờ đó mà những vong hồn nơi địa ngục được dựa ơn siêu thoát.
Cúng cô hồn, về mặt nào đó, đã mang tinh thần vị tha, biết nghĩ đến những kẻ neo đơn cơ khổ, bất hạnh hơn mình.